Các món ăn Huế ngon nhất trước đây chỉ được cung cấp cho các vị vua và hoàng gia trước đây của triều đại nhà Nguyễn, nhưng giờ đây khách du lịch có thể thưởng thức chúng quanh năm tại một loạt các nhà hàng trong khu vực, các gian hàng trên đường phố, các homestay Huế và các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Dưới đây là top 27 đặc sản Huế nổi tiếng bạn không nên bỏ qua khi khám phá Huế.
Món ăn đặc sản Huế ngon nhất không thể bỏ lỡ
1. Cơm Hến/bún Hến
Bún hến, cơm hến Huế là món ăn dân dã, vô cùng quen thuộc với người dân xứ Huế. Tuy nhiên, với khách du lịch thì bún hến, cơm hến Huế vẫn còn khá xa lạ.
Bún hến là loại bún khá lạ với nhiều du khách gồm sợi bún nhỏ cùng với hến xào, gia vị (muối, dầu, mì chính, đậu phộng rang, da heo rang…) và 2 thứ không thể thiếu để tạo nên tô bún hến, cơm hến ngon đó là rau sống và nước ruốc.
Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được rõ hương vị thanh mát nằm trong những thìa hến xào cùng hương vị cay cay, tê tê của gia vị được tẩm ướp. Món ăn này tạo cho người ăn cảm giác vừa thanh đạm mà lại vừa đậm đà đến lạ kỳ.
Tuy nhiên, nếu ai không biết cách ăn sẽ rất dễ khiến cho bát cơm hến vừa tạnh mà lại mất đi vị đậm đà trong hến xào. Do vậy, khi thưởng thức, bạn không nên trộn lẫn canh hến vào trong bát cơm trộn mà nên tách riêng hai bát riêng rẽ. Khi đó, vị đậm đà trong hến xào cũng vị thanh mát trong canh hến sẽ được giữ nguyên vẹn.
2. Bún Bò Huế
Bún bò Huế là một trong nhiều món đặc sản phản chiếu linh hồn vùng đất cố đô nói riêng và dải đất miền Trung nói chung. Nước dùng của bún bò Huế phải trong, ngọt vị xương hầm, cay nồng vị ớt hoà quyện với hương vị mắm ruốc mang đậm đặc trưng của ẩm thực miền Trung.
Sợi bún bò Huế được làm từ bột gạo pha với bột lọc (bột từ củ sắn/khoai mì) theo tỷ lệ nhất định để sợi bún có độ dai vừa phải, kích thước của sợi bún to hơn hẳn các món bún khác.
Để có được sợi bún to, thì người dân Huế thường dùng đinh ba phân để đục lỗ khuôn bún. Và bún thường được lấy từ làng Vân Cù, có lịch sử khoảng 400 năm theo nghề làm bún. Bún ở đây được cho là có độ thơm, dẻo dai hơn hẳn các nơi khác.
Thịt bò dùng cho bún bò Huế thường là thịt bắp chân trước, bắp hoa hoặc nam bò có màu đỏ tươi với phần mỡ bò màu vàng nhạt. Khi chế biến, thịt bò và thịt heo phải được rửa sạch sau đó mang đi chần sơ qua nước sôi có pha chút giấm hoặc chanh trong khoảng 10 phút để thịt mềm và sạch hơn.
Linh hồn của món bún bò Huế chính là ở phần nước dùng. Đặc trưng của nước dùng chính là mắm ruốc và vị ngọt của xương, giò heo, nạm bò, bắp bò được cho vào nồi hầm với sả và muối. Khi nước bắt đầu sôi, người ta thường vớt bọt để nước dùng trong và không bị tanh.
Bún bò chuẩn vị Huế, phải thơm nồng vị ruốc, đậm vị cay, không chỉ cái cay bởi tinh dầu sả và ớt màu trong nồi nước mà còn cay bởi tương ớt và ớt trái xắt lát dầm trong chén nước mắm ăn kèm. Tất cả tạo nên một hương vị thơm ngon và hấp dẫn khiến bao du khách khi có dịp du lịch Huế đều phải thử qua.
3. Chè bột lọc heo quay
Trước đây, món chè này thường được làm vào những dịp giỗ chạp, đám tiệc của gia đình người Huế, vì món heo quay luôn có trong mâm cỗ, một vài miếng thịt nhỏ sẽ chuyển qua nấu chè. Dần dần, chè bột lọc heo quay là món ăn được khách du lịch tìm thưởng thức khi đến Huế.
Nguyên liệu để làm món chè độc đáo này gồm có bột lọc, thịt heo quay, đường phèn, đường cát, gừng và lạc. Bột lọc chọn mua loại ngon, nhào với nước ấm thật mịn và dẻo, không dính tay là được. Bột nhào xong được ngắt thành những viên nhỏ để bọc thịt quay.
Thịt đùi heo quay cắt hạt lựu, trộn đường phèn, đổ nước xăm xắp, đặt lên bếp rim nhỏ lửa cho thịt ngấm đường, vớt ra đem phơi nơi bóng râm để thịt heo trở nên trong. Khi thịt trong mới trộn vào một ít ngũ vị hương để nhân có mùi thơm đặc trưng, rồi cho nhân thịt vào giữa viên bột sao cho không có kẽ hở.
Tiếp đến là công đoạn sên nước đường. Đường phèn cho vào nồi đun lửa nhỏ, khi ngả sang màu vàng thì đổ thêm nước lọc. Đợi nước đường sôi, thả nhẹ từng viên bột vào. Khi viên bột chín sẽ trong và nổi lên, vớt bọt, trước khi tắt bếp cho một ít gừng vào. Chè được múc ra bát hoặc cốc, rắc thêm mè rang, thưởng thức ngay khi vừa nấu hoặc dùng nguội đều ngon. Với khách du lịch, cốc chè có thể có thêm đá lạnh để dễ ăn hơn.
Tuy nhiên không phải ai cũng dễ dàng yêu thích món này ngay từ đầu, bởi sự pha trộn mặn ngọt, thịt và bột, tạo nên hương vị lạ. Vị thanh ngọt của đường kết hợp với béo ngậy, mằn mặn của heo quay trong miếng bột lọc dẻo dai, thoảng nhẹ hương gừng.
4. Tré Huế
Tré là món ăn được làm từ tai, da heo,… có hình dáng tương tự nem chua nhưng lại khác nhau ở khâu chế biến. Nem chua dùng bì, tai,… và sử dụng thính gạo để lên men từ thịt sống. Còn tré Huế thì lại sử dụng phần tai,da,… đều phải luộc chín. Gia vị để làm tré khá đa dạng và phong phú là nước mắm kho, ớt trái, ớt bột, tỏi, mè rang, củ riềng thái sợi và thính gạo, mang đậm hương vị cay nồng miền Trung. Chính vì vậy, tré có hương vị thơm ngon được người Huế ưa chuộng.
Tré Huế đạt chuẩn là phải có màu trắng, hơi ngả vàng tùy vào mức độ của giềng. Còn nếu cho nhiều ớt thì tré sẽ có màu hơi đỏ. Hương vị của tré giòn, béo, bùi, thơm, cay, ngọt, nồng… Tré phải có độ giòn sần sật của tai heo. Vị béo từ mè rang và dầu điều cùng mùi thơm của thính, tỏi, riềng. Đặc biệt, vị cay nồng đặc trưng không thể thiếu.
Người Huế cho rằng: tré phải thật cay nồng thì ăn mới ngon. Mùi vị của tỏi, ớt, riềng sẽ át đi mùi tanh của thịt, cộng thêm mùi thính được rang thơm tạo nên hương vị rất riêng của tré. Đối với những người con xa Huế thì tré là một món ăn, món quà quê vô cùng quý giá. Bởi nó mang hương vị, mùi thơm rất riêng của mảnh đất Cố đô.
5. Bánh canh Nam Phổ
Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km, ở huyện Phú Vang, ngôi làng mang tên Nam Phổ chính là nguồn gốc của món bánh canh nổi tiếng này. Ở làng, có rất nhiều gia đình đã gắn bó với gánh bánh canh này được 3 đến 4 đời nay. Cũng có người kể lại rằng, bánh canh Nam Phổ là món ăn phổ biến thời vua chúa trong cung đình Huế, là món ngon dễ tiêu, đậm đà hương vị của miền Trung.
Nét Huế trong món bánh canh Nam Phổ chính là ở nước dùng sền sệt có màu đỏ cam rất bắt mắt, có vị cay hòa lẫn vị tôm thịt đậm đà, nong nóng thơm thơm, rất đã!
Sợi bánh canh Nam Phổ được nấu từ bột gạo và bột lọc theo tỉ lệ “3 gạo – 1 lọc”. Thay vì nhồi hỗn hợp bột “gạo lọc” sao cho không dính tay rồi cắt sợi, tạo hình bánh như các loại bánh canh khác, sợi bánh Nam Phổ được làm công phu và tỉ mỉ hơn. Ba phần bột gạo pha thêm chút nước khuấy đều cho tan, rồi đem hấp theo kiểu cách thủy.
Vị ngọt tự nhiên của nước dùng nhờ nước luộc tôm, cua hoặc hầm thêm xương. Nhân bánh chế biến từ thịt ba chỉ và tôm được làm sạch, xay nhuyễn, sau đó viên nhỏ xào với hành phi thơm, rất kích thích vị giác. Lại thêm ít bột năng hòa tan tạo độ sánh cho nhân bánh. Nồi nước dùng được giữ lửa vừa, luôn ấm nóng.
Tuyệt nhất khi thưởng thức bánh canh ở gánh hàng lâu đời, bạn có thể thấy người bán tạo nên tô bánh canh đặc sắc như thế nào: múc phần sợi bánh dẻo trong, rồi rưới xâm xấp nhân bánh lên trên, trải thêm hành lá xanh xanh, rất bắt mắt. Khi dùng, nhớ cho thêm chút nước mắm ớt xanh cay nồng, vị ngon đúng điệu.
Xem thêm: Chùa Thiên Mụ Ở Đâu? Đệ Nhất Cổ Tự 400 Năm Tuổi
6. Bánh bèo
Bánh bèo Huế ngày nay không còn xa lạ với nhiều người, từ các quán bánh bình dân đến các nhà hàng sang trọng phục vụ món Huế, bạn đều có thể thưởng thức món bánh này.
Bánh bèo Huế là loại bánh được làm từ bột gạo, đổ vào khuôn là vỉ nhôm hay chén nhỏ sau đó hấp chín. Ăn kèm là tôm chấy và nước chấm chua ngọt. Tuy thành phần và công thức làm bánh bèo Huế khá đơn giản nhưng ăn vào mới thấy sự tinh túy của món ăn này. Bột gào mềm dẻo, kết hợp cùng với tôm chấy mặn ngọt và nước chấm tạo nên sự hài hòa cho món ăn.
Để món bánh bèo ngon, thì phải có sự kết hợp hài hòa giữa bột bánh, nhân bánh và nước chấm. Không như các loại bánh khác, như bánh bột lọc Huế, bánh nậm, bánh ít có thể không cần nước chấm mà vẫn ngon thì bánh bèo buộc phải có nước chấm mới ngon được. Một điều nữa, là khi ăn, nước chấm được chan lên bánh sau đó ăn dần từng cái bánh.
7. Bánh ép huế
Bánh ép Huế là tên gọi của một loại bánh được làm từ bột lọc, nhân gồm thịt heo, tôm và trứng cút cùng với gia vị, được ép nóng, mỏng trên khuôn bằng gang. Sau đó bày ra dĩa ăn kèm cùng với rau sống, chua ngọt và nước chấm đặc trưng cho loại bánh này.
Mặc dù được làm từ nguyên liệu rất đơn giản là bột lọc, thịt heo, tôm, trứng…nhưng chính sự dân dã đó lại làm thành vị riêng cho món bánh ép này. Bánh ép rất thích hợp vào những khi thời tiết se lạnh, vị béo ngậy của dầu hòa với vị bùi, dai của bánh, thơm ngọt của tôm, thịt heo và trứng hòa quyện vào nhau làm nên thứ hương vị khó quên cho người ăn.
Nếu đến Huế ăn bánh ép, bạn sẽ thấy ở các quán bánh ép làm trực tiếp cho khách ăn thì còn một loại được cho vào các túi nilong bày bán cho khách mang về, loại này được gọi là bánh ép khô. Còn loại ép trực tiếp ở quán cho khách gọi là bánh ép dẻo.
8. Bánh bột lọc
Trong các chuyến du lịch Huế, du khách có thể dễ dàng tìm được cơ hội để thưởng thức món bánh bột lọc. Bánh bột lọc bình dị cả về mặt nguyên liệu và cách chế biến. Tuy nhiên, không vì thế mà món bánh này kém hấp dẫn trong mắt du khách.
Nguyên liệu chính để làm nên những chiếc bánh bột lọc ngon theo ẩm thực Huế đúng điệu đó là bột năng, vỏ lá chuối, tôm và thịt ba rọi. Trước khi bắt đầu làm phần bỏ bánh, người dân Huế thường làm phần nhân trước. Những con tôm tươi được làm sạch và cắt bỏ đầu đuôi, thịt ba chỉ cũng được cắt nhỏ, mang đi rim khô rồi để nguội.
Trong khoảng thời gian đợi nhân bánh nguội bớt, người ta mới bắt đầu làm phần vỏ bánh. Để làm nên những chiếc vỏ bánh hoàn hảo từ bột năng, người ta sẽ tiến hành nấu bột trước với một ít muối, đường và dầu ăn, khuấy đều tay ngay trên bếp cho đến khi bột năng hơi đặc lại thì tắt bếp.
Khi nhân bánh và vỏ bánh đều đã được chuẩn bị sẵn sàng, người ta mới nhúng những mảnh lá chuối tươi đã được rửa sạch qua nước sôi để giữ lá có màu xanh. Sau đó, họ cắt chúng ra thành nhiều miếng vừa vặn để gói bánh. Bánh gói xong sẽ được mang đi hấp chừng 20 phút là sẽ chín.
Món bánh bột lọc thơm thơm, dai dai sẽ được dùng kèm với chén nước chấm pha từ mắm mặn, cà rốt muối chua và nhiều ớt bằm.
9. Bánh nậm
Đối với mỗi người dân Huế, Bánh Nậm là một món ăn rất quen thuộc và được ưa thích. Người dân nơi đây còn dùng bánh nậm trong những dịp cúng, giỗ.
Bánh Nậm có nguồn gốc tại làng Nam Phổ (nay thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang). Những người phụ nữ lúc bấy giờ đã dùng bột gạo, tôm, tép giã nhuyễn để làm nên chiếc bánh. Sau đó, món ăn này ngày càng phổ biến ở làng Nam Phổ. Người dân làm bánh và mang đi giao thương từ khắp các đường phố cho đến kinh thành Huế. Bánh Nậm từ đó đã trở thành món ăn yêu thích của mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi ở Cố đô.
Ngoài Bánh Nậm tôm thịt thì còn có loại bánh chay làm từ tinh bột đậu xanh, đường, đậu xanh, lá dứa để dùng vào ngày rằm, mùng 1 âm lịch. Người ta sẽ trộn tinh bột đậu xanh với nước lá dứa và đường rồi đun trên lửa nhỏ, khuấy đều đến khi bột trong vắt. Nhân là đậu xanh đã nấu chín, trộn đường rồi khuấy đều lên bếp. Bánh Nậm chay khi ăn có vị ngọt, bùi của đậu xanh và thơm dịu mùi lá dứa.
Một chiếc Bánh Nậm có ngon hay không phụ thuộc phần nhiều vào nước mắm ăn kèm. Người ta sẽ cho một ít đường vào nước mắm rồi bắc lên bếp đun đến khi đường tan thì cho thêm ít nước lọc. Sau khi hỗn hợp này nguội thì sẽ pha thêm ít nước cốt chanh, tỏi băm cùng chút ớt để có vị ngọt dịu vừa phải.
10. Bánh khoái cá Kình
Bánh khoái là tên gọi của người Huế dành cho món bánh xèo, một món ăn phổ biến của Trung Bộ. Từ tên gọi cũng phần nào đoán được loại bánh khoái đặc biệt này của người Huế – Bánh khoái cá kình – Là một món ăn truyền thống có nguồn gốc từ làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, TT Huế. Mà người Huế hay gọi là bánh khoái cá kình chợ Làng Chuồn – là một chợ của làng An Truyền.
Bánh khoái thường được người Huế làm bằng cách “đổ bánh” trong các chảo nhỏ trên bếp củi hay bên than, và dầu ăn rơi vào than, củi sinh ra nhiều khói bay nghi ngút quanh bếp lửa nên mọi người gọi là bánh khói. Tuy nhiên, cách đọc của người Huế thì “khói” đọc thành “khoái”, nên bánh xèo ở Huế lại được gọi tên là bánh khoái.
Vì sao bánh khoái cá kình ở đây được xem là ngon nhất? Đơn giản vì đây là góc của món ăn này và đến đây bạn được ra chợ tự tay mua những con cá kình tươi ngon vừa được đánh bắt, sau đó đưa cho người bán bánh khoái chế biến giúp.
Bánh khoái cá kình được ăn cùng với nước mắm nhỉ, cho thêm ớt và nước mắm chua ngọt. Cá kình thì ăn với nước mắm nhỉ, bánh khoái thì ăn cùng với nước mắm chua ngọt. Và ăn kèm với đó là rau sống.
Ngoài bánh khoái cá kình, bạn có thể mua các loại cá khác, tôm, mực… Người bán đều giúp bạn chế biến, và đổ thành bánh khoái cho bạn, nào là bánh khoái cá, bánh khoái mực, bánh khoái tôm… tất cả đều có ở đây.
11. Bánh ram ít
Bánh ram ít là một món bánh dân dã được truyền vào hoàng cung từ rất lâu và giờ đây chiếc bánh ra ít lại trở thành một nét đẹp tinh túy cho nền ẩm thực xứ Huế.
Với sự kết hợp hài hòa giũa bánh ram và bánh ít nên khi thưởng thức bánh thực khách sẽ cảm nhận được cả vị dẻo của bột nếp, sự đậm đà hương vị tôm thịt của nhân bánh ít bên trên và cái giòn rụm của phần bánh ram phía dưới vừa giòn tan vừa dẻo sẽ đêm lại cho thực khách cảm giác thú vị và khác lạ khi thưởng thức loại bánh này.
Để làm ra được những chiếc bánh ít thơm ngon này đòi hỏi người chế biến phải thật cẩn thận trong từng công đoạn, như khâu trộn bột cũng đòi hỏi người nấu phải thật cẩn thận mới có thể trộn được mẻ bột có đủ độ dẻo, quện lại với nhau và không làm dính tay khi làm bánh. Cũng như khi nặn bánh cần phải khéo tay để bánh có được những hình thù nhỏ nhỏ xinh xinh mà nhân không bị bung ra. Bánh nặn xong thì sắp lên mẹt tre để hấp, chừng 15 – 20 phút là chín.
Khi ăn rải lên chút tôm chấy, chấm cùng nước mắm chua ngọt, thêm tí đậm đà của bánh ít và sự giòn rụm của bánh ram sẽ là sự trải nghiệm thú vị của thực khách khi được thưởng thức món bánh ít ram đặc xứ Huế này.
12. Hến xúc bánh tráng
Hến xúc bánh tráng là món ăn dân dã, có nguồn gốc từ miền Trung đầy nắng gió. Ngoài tác dụng bồi bổ cơ thể, hến còn chứa nhiều công dụng bất ngờ như chữa lao phổi, hỗ trợ bệnh thiếu máu và rất thích hợp với người có bệnh tim mạch nhờ chứa ít chất béo, cholesterol.
Một món ăn vặt từ Huế rất phổ biến là hến xúc bánh tráng. Hến được xào thơm lừng với sả, ớt, hành tây, rau răm và nhiều loại gia vị khác, được ăn kèm với miếng bánh tráng giòn rụm. Có dịp đến Huế, bạn nhớ thử xem món hến chuẩn vị Huế như thế nào nhé.
Xem thêm: LIST 23+ Quán Bún Chả Ngon Hà Nội Nổi Tiếng Lâu Đời Nhất
13. Nem lụi Huế
Thực tế nem lụi không phải chỉ có ở riêng Huế, ở những vùng miền khác cũng có món ăn này. Tuy nhiên chỉ ở Huế mùi vị món ăn này mới thực sự khác biệt, đặc biệt là cứ làm người ăn có cảm giác quyến luyến đến khó tả.
Nguyên liệu chính để làm nên món nem lụi đó thịt heo được xay nhuyễn, bì thái mỏng như miến, mỡ heo thái hạt lựu, đem tất cả các nguyên liệu này ướp cùng muối, tiêu đường, thính và trộn đều lên. Sau đó đem thịt vo dài xiên vào thanh tre rồi đem nướng lên than hồng cho đến khi chín.
Khi ăn nem lụi, người ta thường ăn kèm với bánh tráng đa nem, chuối xanh, rau sống, khế chua, xoài xanh… Miếng bánh tráng sẽ được trải thẳng sau đó bỏ lần lượt rau sống, dưa chuột, rau thơm… và cuối cùng là nem lụi, sau đó cuốn tròn chấm với nước dùng rồi thưởng thức.
Độ giòn dai, thơm ngon của nem, chút cay cay của ớt, thêm vị ngọt, béo, bùi bùi của nước chấm sền sệt, vị tươi mát của rau… mọi thứ như hòa quyện lại với nhau tạo nên một hương vị hài hòa, tuyệt hảo của món nem lụi xứ Huế.
14. Vả trộn
Món gỏi vả, gồm vả luộc, cà rốt thái sợi, nấm hương, hành tây với tôm hoặc thịt heo xé, trước đây là món ăn chỉ dành cho giới quý tộc Huế. Mặc dù nó thường được ăn trong các sự kiện như đám cưới và đoàn tụ gia đình, nhưng vẫn có nhiều nhà hàng Việt Nam phục vụ món này quanh năm.
Loại vả xanh này chỉ có ở miền Trung Việt Nam nên đây là món nhất định phải thử đối với những du khách lần đầu đến Huế. Trộn mắm tôm lên men, mè rang và hẹ chiên vào gỏi va tron là cách ăn ưa thích của chúng tôi.
Đặc sản huế làm quà
15. Mè xửng
Từ lâu, mè xửng đã là một biểu tượng đặc sản với người dân xứ Huế. Đây được xem như là niềm tự hào của mỗi con người cố đô. Bất kể là người dân hay du khách từ xa ghé đến Huế đều vô cùng thích món kẹo này. Nếu ai đã đến, mà chưa thưởng thức món đặc sản Huế mè xửng cố đô thì quả là đáng tiếc.
Món ngon đặc sản này được làm từ nguyên liệu chính là mè, hay còn gọi là vừng. Sau đó thì được hoán đường cô đọc thành chất dẻo. Ngoài vừng, thì thành phần không thể thiếu trong kẹo mè xửng đó là bánh đa, mạch nhau hay đậu phộng.
Với vị ngọt cùng sự dẻo dai kết hợp với chút bùi của đậu phộng. Mùi thơm này khiến cho người ăn đã ăn vào là sẽ nhớ mãi. Bên cạnh mè xửng dẻo thì bạn cũng có thể chọn mè xửng giòn làm món ngon để thưởng thức.
Với đặc trưng kẹo mè xửng Huế mà loại bánh này thu hút không chỉ người dân Huế. Mà còn gây thương nhớ đối với nhiều du khách ghé Huế. Du khách mỗi khi đến với Huế thường chọn món kẹo mè xửng để làm quà. Chắc chắn là dù ở bất cứ đâu mà khi thưởng thức mè xửng thì ai cũng nghĩ đến mảnh đất thơ mộng xứ cố đô.
16. Tôm chua Huế
Tôm chua là một trong những món đặc sản Huế nổi tiếng được biết đến nhiều nhất. Đó không phải là một thứ cao lương mỹ vị, không phải là một món ăn hiểu theo nghĩa thông thường, nghĩa là tự mình nó không thể làm nên một bữa ăn, mà phải cần thêm nhiều thứ khác như thịt heo ba chỉ, giá chua, rau sống, bún hoặc cơm.
Nguyên liệu để làm tôm chua là thứ tôm nước ngọt, dân Huế quen gọi là tôm đất. Tôm để làm tôm chua không là loại tôm quá lớn, cũng không quá nhỏ, mà nên lựa loại tôm sàng sàng như nhau.
Con tôm mua về, cắt bỏ phần râu, ngâm trong nước có hòa phèn chua chừng năm bảy phút, vớt ra xả sạch, rồi lại ngâm vào rượu trắng cho đến khi mùi rượu bay hết lại vớt ra vắt cho ráo nước. Củ riềng thái chỉ, cùng ớt trái và tỏi xắt lát, đem trộn đều với tôm rồi cho tất cả vào hũ, gài chặt.
Sau đó thắng riêng nước mắm loại ngon với đường cát, thêm tí bột ngọt, đổ vào hũ cho ngập hết phần tôm kia. Đem hũ tôm phơi nắng chừng ba ngày, rồi để vào nơi thoáng mát.
Khi ăn, giã một ít tỏi với ớt trái, cho tôm chua vào, trộn đều. Thịt heo ba chỉ luộc chín, thái mỏng vừa phải. Kèm thêm một dĩa rau sống gồm chuối chát, khế chua, quả vả thái mỏng, thêm ít cải con, giá sống, xà lách… và một dĩa dưa giá muối chua cùng với lá kiệu. Vậy là bạn đã có một món ăn ngon, có thể ăn kèm với bún hay cơm rất tuyệt vời.
17. Kẹo cau
Kẹo có hình như miếng cau chẻ sáu hoặc bốn, được chia thành 2 phần: bên ngoài màu trắng viền kẹo được làm từ bột gạo và đường thể hiện vỏ cau. Bên trong là phần cứng có màu vàng nhạt được làm từ đường cô đặc thể hiện nhân cau.
Nhìn hoàn toàn giống như một phần của quả cau được chẻ 4 chẻ 6 gói trong giấy bóng sạch sẽ cực kỳ ngon mắt. Ngày xưa, khi làm kẹo cau người ta có bỏ thị quả cau vào trong kẹo nhưng vì mùi của thị cau khá hăng, khó chịu nên thịt quả cau đã không còn đưa vào làm nhân kẹo nữa.
Mặc dù, kẹo có độ hơi cứng mà không mềm mại như kẹo dừa nhưng lại làm say đắm biết bao người. Chỉ cần ngậm chờ tan dần, bạn sẽ từ từ cảm nhận hương vị ngọt thanh, nhẹ nhàng càng ngậm lâu độ ngọt trong kẹo sẽ được hòa tan vào miệng khiến cho người ăn có cảm giác nhớ quê hương nhất là những ai đang xa quê.
18. Đặc sản Huế mắm sò Lăng Cô
Mắm sò được làm từ loại Sò lông, loại sò này được người dân địa phương gọi với cái tên khác là con Sặc. Sò lông hầu như có mặt ở Lăng Cô quanh năm, tuy nhiên vào những lúc mưa gió như tháng 9, tháng 10 nước dâng cao, người dân không thể đi cào được. Còn lại những ngày trời đẹp người dân nơi đây sẽ đi cào sò, dụng cụ cào thì vô cùng đơn giản, chỉ cần một bàn cào nho nhỏ và một vật dụng bất kỳ để đựng là được.
Cái khéo của người làm mắm là phải cân đong lượng muối phù hợp, sao cho đừng quá mặn mà cũng đừng quá nhạt. Trộn thật đều sò, muối, ớt, riềng rồi bỏ vào chai hoặc thẩu nhựa đậy thật kín. Mắm sau khi đưa vào thẩu khoảng 8 – 10 ngày là có thể ăn được. Giống nhiều loại mắm khác, mắm sò để càng lâu ăn càng ngon.
Mắm sò rất thơm ngon, ngoài ăn với cơm nóng, người ta còn dùng mắm sò như một loại nước chấm. Nếu muốn cảm nhận hết vị ngon của mắm sò thì bạn nên thưởng thức mắm kèm với rau sống, dưa giá, khế chua kẹp thịt ba chỉ, đảm bảo ngon ngất ngây.
19. Mắm cá rò
Theo ngư dân biển ở Huế, cá rò là tên gọi lúc còn nhỏ của cá kình – một loại cá được nuôi nhiều ở vùng đầm phá Tam Giang và Cầu Hai. Vào mùa cá rò (cá kình con) ngư dân sẽ đánh bắt nhiều loại cá này để đem vào phá nuôi. Những con các rò còn sống thì được thả vào hồ nuôi, những con chết thì các o, các mệ ở vùng biển chế biến thành một loại mắm cá. Và được biết đến với tên gọi mắm cá rò – một đặc sản Huế, một loại nước chấm tuyệt với cho món thịt luộc.
Cá rò khi đánh bắt vào vẫn còn tươi, được rửa sạch bằng nước. Trộn cá cùng với muối theo tỷ lệ 5 phần cá 1 phần muối và thêm một ít ớt bột Huế. Nhiều chỗ có thể thêm thính gạo nếp, xôi, hay cơm nguội vào để tạo độ bùi cho mắm.
Sau khi trộn đều thì cho hỗ hợp vào vại, dùng nẹp tre cài kín phần phía trên lại. Sau 50 đến 60 ngày thì cá rò sẽ được lên men, lúc này cá vẫn còn khá nguyên hình dạng. Cuối cùng là trộn hỗn hợp trên với củ riềng, tỏi, tiêu… để tăng hương vị cho mắm cá rò.
Mắm cá rò sau khi chín, được người Huế dùng làm nước chấm món thịt luộc, ăn kèm với rau sống. Đây được xem là loại nước chấm ngon nhất cho món thịt luộc, nhiều người còn nhận định ngon hơn nhiều so với món thịt luộc chấm tôm chua.
20. Mắm nêm
Mắm nêm là một trong những nét đặc trưng độc đáo đóng vai trò quan trọng trong nền ẩm thực Huế. Nếu bạn có dịp đến Huế thì sẽ dễ dàng thấy được những bát mắm nêm len lỏi khắp các nhà hàng, quán xá từ quán bánh tráng cuốn ven đường, quán nướng, bò nhúng giấm đến cả những bát bún mắm Huế nức tiếng nơi đây.
Một trong những bí quyết để tạo ra hũ mắm nêm nhất chính là nhờ nguyên liệu tươi ngon, đảm bảo. Mắm nêm được làm từ nguyên liệu cá cơm tự nhiên được ngư dân tại đây đánh bắt. Cứ mỗi sáng cá vừa được bắt lên còn tươi sống sẽ được mua về và tiến hành các bước làm mắm.
Mắm nêm Huế được sản xuất hầu như bằng tay một cách thủ công và giữ nguyên cho mình bí quyết gia truyền để giúp những lọ mắm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hơn và vẫn giữ được hương vị đậm đà vốn có của nó.
21. Hạt sen khô Huế
Hạt sen khô là những hạt sen già, bóc vỏ bỏ tim sau đó phơi khô qua nhiều nắng hoặc mang lên lò sấy. Hạt sen khô khi ăn khác sen tươi ở chỗ là nó bùi hơn, nhiều tinh bột hơn nhưng không thơm và ngọt bằng sen tươi.
Sen tươi Huế có theo mùa, không tiện cho các bạn cất trữ lâu trong nhà để dùng hàng ngày quanh năm được, nên khi vào vụ là cuối tháng 4 đến đầu tháng 9 các bạn nên tranh thủ ăn sen tươi, sau thời gian này các bạn mua sen khô Huế nấu cũng rất ngon và bổ dưỡng, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với các hạt sen vùng miền khác, mà lại bảo quản dễ mang đi xa biếu tặng quà cũng tiện nhé.
Hạt sen Huế nhỏ, đều hạt, có màu trắng đục khi ở dạng tươi, và ngã màu rôm vàng khi ở dạng khô. Sen không bị đen, và luôn giữ vị thơm ngọt khác biệt. Đặc biệt, sen Huế không bị sượng nên thời gian nấu nhanh, khi ăn vô cùng tơi bở.
Không những thế, sen Huế còn mang lại những tác dụng hữu ích cho sức khỏe như dưỡng tâm, an thần, làm đẹp da, điều hòa cholesterol, bồi bổ cơ thể…. Chính vì vậy, hạt sen luôn xuất hiện trong bữa ăn thường ngày với những món ngon vô cùng hấp dẫn và không kém phần bổ dưỡng.
Xem thêm: Wellness Travel: 16+ Địa Điểm Du Lịch Chăm Sóc Sức Khỏe Bậc Nhất Thế Giới
22. Bưởi Thanh Trà
Chẳng biết cây bưởi Thanh Trà có từ bao giờ, nhưng chúng đã xuất hiện nhiều trên đất Phú Xuân khoảng từ 200 năm trước. Của ngon vật lạ này được dâng lên vua chúa triều Nguyễn, cũng chính vì thế mà nó đã trở thành nét đặc trưng, đại diện cho ẩm thực cố đô Huế.
Giống bưởi Thanh Trà ngày nay được trồng nhiều dọc bờ sông Hương, sông Ô Lâu, sông Bồ để được bồi đắp phù sa. Tập trung tại các huyện như Phong Điền, Phú Xuân, Phú Vang, Hương Trà và cả thành phố Huế.
Cứ mỗi độ tháng 7,8 âm lịch, những vườn cây Thanh Trà bắt đầu chín mọng, cho thu hoạch. Mỗi mùa chỉ cho thu hoạch duy nhất một lần nên càng tăng thêm sự quý giá của nó.
Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng đã cấp nhãn hiệu “Thanh Trà Huế” như để khẳng định với người tiêu dùng về một loài cây ăn trái chỉ thuộc về mảnh đất Huế.
Bưởi Thanh Trà cho vị ngọt thơm, dịu mát, ăn một lần là nhớ mãi. Nhiều người cho rằng, sự khác biệt của nó bắt nguồn từ những cơn mưa dầm xứ Huế, cộng với phù sa sông hương mát lành. Tổng thể, sản sinh ra loại quả có vị ngọt thanh, thơm thoảng đặc trưng và khó lẫn đi đâu được.
Quả bưởi Thanh Trà ít nước nên có thể để lâu đến vài tháng. Đặc biệt hơn khi để càng lâu thì quả càng ngọt, hương vị vẹn nguyên như thuở ban đầu, thậm chí là đậm đà hơn.
23. Dầu Tràm Huế
Tinh dầu tràm Huế được chưng cất từ lá và cành nhỏ của cây tràm gió. Việc chưng cất tinh dầu tràm được xem là nghề truyền thống lâu năm của xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, TT-Huế.
Dầu tràm Huế có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như: Giúp tránh gió, tránh cảm lạnh hay phòng ho rất hiệu quả. Đặc biệt, loại dầu này an toàn cho cả trẻ em và phụ nữ mang thai.
24. Trà cung đình Huế
Đặc sản Huế làm quà biếu thì không thể thiếu trà cung đình Huế – loại trà tiến vua ngày xưa. Đây không chỉ là thức uống giải nhiệt mà còn có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như: giúp ngủ ngon, thanh nhiệt, giải độc gan, hỗ trợ điều trị một số loại bệnh…
Với thành phần gồm 16 loại thảo dược gia truyền quý hiếm, trà cung đình Huế thật sự là một món quà tuyệt vời dành tặng bạn bè, người thân.
25. Nón bài thơ xứ Huế
Đã từ rất lâu chiếc nón bài thơ đã trở thành một nét văn hóa rất duyên biểu tượng cho người phụ nữ cố đô. Nghệ nhân làm nón vốn yêu thơ phú nên đã nghĩ ra cách lồng những câu thơ hay và những cảnh sắc tiêu biểu vào giữa hai lớp nón lá để tôn thêm vẻ đẹp và giá trị tinh thần của nón Huế.
Biểu tượng ẩn hiện trong chiếc nón bài thơ thường là những hình ảnh: cầu Trường Tiền, núi Ngự Bình, Ngọ Môn, Phu Văn Lâu…đi kèm theo các biểu tượng là một số câu thơ nổi tiếng viết về Huế.
Chiếc nón bài thơ thanh mảnh, cầm trên tay nhẹ tênh, từ đường kim, cho đến vành nón tất cả đều thanh tao, nhỏ mà sắc nét. Những câu thơ không phải đề bằng mực mà được cắt từ giấy, khéo léo ẩn dấu giữa hai lớp lá xanh, phải đưa nón lên dưới ánh mặt trời mới đọc được.
Khung cảnh Huế mộng mơ, những con đường im mát, những cô gái Huế trong tà áo dài tha thướt đội nón bài thơ đã trở thành một trong những hình ảnh đẹp tượng trưng của Huế. Hình ảnh ấy đã tác động đến đời sống nghệ thuật của mảnh đất này.
Nếu có dịp đến Huế đừng quên mua ít chiếc nón bài thơ để làm quà, đừng quên ghé thăm những ngôi làng có truyền thống làm nón. Để cảm nhận hết vẻ đẹp văn hóa của xứ Huế, của đất cố đô.
Xem thêm: List 24+ Homestay Quy Nhơn Gần Biển Giá Rẻ Chỉ Từ 150k
26. Rượu cung đình Huế
Rượu Cung đình Nhất dạ đế vương hay còn gọi rượu ngự tửu cung đình nhất dạ đế vương dành cho Quý ông, quý bà, hỗ trợ điều trị suy nhược cơ thể, yếu sinh lý, nhức mỏi, bồi bổ khí huyết, tráng dương, bổ thận, tăng cường sinh lực.
Rượu cung đình nghe cái tên thôi cũng đã biết được chất lượng của nó. Loại rượu đặc sản Huế này được các vua chúa triều Nguyễn sử dụng thường xuyên. Một loại rượu cao cấp của hoàng tộc.
Rượu cung đình Huế là loại đặc sản thượng hạng đất kinh thành. Xưa kia, chỉ có vua và những người trong hoàng tộc là được uống loại rượu này. Rượu cung đình Huế cùng với sơn hào hải vị, sản vật hiếm có tiến vua từ khắp cả nước là những thứ mà vua thường xuyên sử dụng sau khi được kiếm duyệt gắt gao bởi đội ngũ quan lại.
Rượu cung đình được điều chế lên men từ nhiều loại thảo dược quý hiếm khác nhau từ nếp, lúa mạch đến các loại dược thảo quý giá, khó tìm. Uống rượu giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sinh lực nam giới. Vua quan xưa thường dùng rượu kèm các loại xuân dược khác để có sức khỏe cường tráng trong “chuyện phòng the”.
27. Bánh đậu xanh trái cây
Bánh đậu xanh trái cây – loại bánh có nguồn gốc từ nền ẩm thực cung đình Huế. Gọi là bánh “quý tộc” bởi những nghệ nhân phải tốn nhiều công sức để làm nên chúng. Và trước kia, chỉ dùng tại các yến tiệc của Vua chúa ở Hoàng Cung, hoặc trong mâm cỗ gia đình quan lại và quý tộc vào các dịp lễ thời xưa.
Quá trình làm bánh đòi hỏi một chút thời gian. Đậu xanh được, hấp mềm rồi nghiền nhuyễn. Đường cát được thêm vào rồi nhồi thành bột khô nhuyễn. Bánh được tạo hình các loại trái cây, sau đó được nhúng vào gelatine hoặc rau câu để tạo vỏ láng bóng.
Để tạo màu sắc bắt mắt, mang hương vị trái cây cho bánh; những nghệ nhân tài hoa thời xưa tận dụng một số loại màu có sẵn trong thiên nhiên. Chút hồng tím từ củ dền, sắc cam của cà rốt, xanh cốm từ củ dứa, ánh vàng tươi từ củ nghệ… và vô số cách tạo màu tùy vào cảm hứng sáng tạo hay nguyên liệu sẵn có.
Hương thơm đậu xanh lan tỏa cùng vị béo ngậy, vỏ đông sương dẻo dai và vị đường ngọt thanh khiến bất cứ ai thưởng thức đều phải xiêu lòng trước những chiếc bánh đậu xanh trái cây tí hon, xinh xắn.
Đây là những món ăn địa phương hàng đầu tại Thành phố Huế, Việt Nam, chúng tôi hy vọng rằng hương vị đặc sản Huế sẽ mang đến cho bạn những kỷ niệm đẹp về văn hóa ẩm thực.