núi bà đen tây ninh
Du Lịch

Núi Bà Đen Tây Ninh: Sự Tích, Lễ Hội, Kinh Nghiệm & Mẹo Quan Trọng

Sài Gòn vào những ngày hè oi bức nhưng vẫn muốn săn mây, hoà mình vào không gian xanh của những cánh rừng nhiệt đới, leo núi trekking hấp dẫn hay tham quan khu du lịch linh thiêng nổi tiếng. Vậy thì hãy bỏ qua suy nghĩ đến Đà Lạt hay vùng núi Tây Bắc xa xôi, sát vách Sài Gòn có một địa điểm thoả mãn đầy đủ các điều kiện trên. Cùng đến với Núi Bà Đen Tây Ninh kì thú để cùng săn mây trắng, nghe sự tích dân gian bí ẩn cùng những lễ hội vía Bà vô cùng độc đáo.

Thuyết minh về Núi Bà Đen

Núi Bà Đen – một quần thể di tích lịch sử – văn hóa và danh thắng, từ lâu vốn là biểu tượng về đất và người của quê hương Tây Ninh. Nơi đây trải rộng trên diện tích 24km2, gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo, núi Phụng và núi Bà Đen. Núi Bà Đen cao 986m, là ngọn núi nhô lên giữa đồng bằng và cao nhất Nam Cách đây 300 năm, nơi đây còn là vùng rừng già hoang vu, hiểm trở. Núi Bà Đen còn có tên gọi khác là núi Vân Sơn do ngọn núi quanh năm có mây bao phủ.

núi bà đen tây ninh

Cùng với bước chân của cộng đồng người Việt đến vùng đất Tân Ninh xưa khai mở đất đai, sinh cơ lập nghiệp, thì các tăng ni, phật tử cũng đồng thời đến đây lập những am, miếu xây dựng chùa chiền để thờ Phật. Trong đó, hệ thống am, điện, chùa, hang động ở núi Bà Đen đã từ lâu thu hút đông đảo khách thập phương đến viếng lễ hàng năm.

Núi Bà Đen được sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Linh Sơn cách Tân Ninh 20 dặm về phía tây bắc, hình núi cao chót vót là trấn sơn của tỉnh, phía tây giáp địa giới Cao Miên, lưng núi có chùa đá ít người đi đến”.

Núi Bà Đen có nhiều loại gỗ quý hiếm cùng các loại động thực vật phong phú như ốc, dơi, thằn lằn, cheo, mễnh, nai và các loại cây rau, quả có giá trị. Song do chiến tranh tàn phá và sự khai thác bừa bãi của con người nên thảm thực, động vật ở núi Bà Đen hiện còn không đáng kể.

Núi Bà Đen là một danh thắng nổi tiếng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, mang lại nguồn lợi về kinh tế. Đây cũng là nơi trở về với cội nguồn đời sống tâm linh và du lịch sinh thái của dân tộc. Với đỉnh núi cao nhất Nam bộ, núi Bà Đen trở thành một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nên trong suốt 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc (1946 – 1975).

Sự tích – truyền thuyết Núi Bà Đen

Từ bao đời nay, người dân xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh vẫn truyền tai nhau về sự tích kỳ bí nhuốm màu sắc huyền thoại xung quanh ngọn núi Bà Đen về người con gái chết oan, 3 lần quay về báo mộng, hiển linh.

Câu chuyện huyền thoại luôn lôi cuốn du khách khi đến với địa danh tâm linh này, đó chính là sự tích về Bà Đen – nàng Lý Thị Thiên Hương con gái của ông Lý Thiện – quan trấn nhậm Trảng Bàng triều Nguyễn và bà Đặng Ngọc Phụng – một người phụ nữ gốc Bình Định.

núi bà đen tây ninh

Truyền thuyết kể rằng, nàng vốn là người con gái xinh đẹp, hiền lương, văn hay võ giỏi và là con của một nhà gia giáo, nên được rất nhiều người để ý. Trong làng có chàng tên Lê Sĩ Triệt, mồ côi cả cha lẫn mẹ, được nhà sư Trí Tân nuôi dưỡng nên văn hay võ giỏi và cũng tỏ lòng cảm mến nàng.

Trong một lần nọ Thiên Hương lên núi cúng chùa liền bị một đám côn đồ vây bắt. Giữa lúc nguy khốn, chàng Lê Sĩ Triệt đã xông ra đánh đuổi và cứu được nàng.

Ðể đáp ơn chàng, cha mẹ nàng Thiên Hương hứa gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Nhưng giữa buổi loạn ly, hai người chưa kịp lấy nhau, chành trai Lê Sĩ Triệt đã phải tòng quân ra trận, đánh đuổi Tây Sơn. Nàng hứa sẽ ở nhà, giữ trọn danh tiết chờ chồng.

Khi Lê Sĩ Triệt tòng quân, ở nhà trong một lần lên núi lạy phật và thăm dưỡng nhà sư Trí Tân, thì lại bị nhóm kẻ xấu trước đó vây bắt, toan làm nhục. Để giữ lòng trung trinh, nàng đã nhảy xuống khe núi tử tiết.

Trong lần báo mộng thứ nhất: nàng hiện về gặp nhà sư Trí Tân, trong hình dạng một người phụ nữ đen đúa và kể lại hết sự tình.

Sau khi nghe hết câu chuyện, nhà sư bèn tỉnh dậy và cho người đi tìm thi thể nàng, đem về mai táng. Vì vậy nhà sư gọi nàng là nàng Đen và người đời sau gọi nàng là Bà Đen để bày tỏ lòng tôn kính của mình.

Lần báo mộng thứ hai, là khi chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chạy đến núi Bà Đen lẩn tránh. Thiếu lương thực, từ chúa đến lính đều đói lả. Nghe nhân dân nơi đây, đồn về sự linh thiêng của bà Đen, trong cơn tuyệt vọng, chúa Nguyễn Ánh đã cầu khẩn xin phò trợ. Đêm đó, bà Đen xuất hiện trong mộng, chỉ đường thoát thân và khuyên chúa Nguyễn Ánh nên qua Xiêm tá binh để chờ thời cơ khôi phục cơ đồ, thống nhất giang sơn.

Lần nhập xác hiển linh khi gặp gỡ Thượng Quốc công – Lê Văn Duyệt. Chuyện chẳng là vị quan này có nghe đến sự linh thiêng của bà Đen nên đã quyết tâm tìm hiểu và hứa rằng, sẽ dâng sớ vua và phong chức cho cô nàng họ Lý này nếu cô hiển linh.

Vào một ngày nọ nàng Lý Thị Thiên Hương quả thực đã nhập vào xác của một cô gái để trò chuyện với Quốc công về tương lai của vị quan tài giỏi này và nỗi oan khuất của mình, chưa được gặp lại và chung sống với chồng, đã được trở thành tiên thánh và được cử xuống phàm trần để cứu nhân độ thế.

Ngay sau đó, Quốc công Lê Văn Duyệt đã thay mặt vua phong cho nàng Thiên Hương làm “Linh Sơn Thánh Mẫu”, tạc tượng để thờ và ngụ ở núi Một, nay đổi tên thành núi Bà Đen.

Và sự tích 3 lần báo mộng hiển linh của nàng Lý Thị Thiên Hương được lan truyền khắp mọi nơi, cùng với tín ngưỡng tâm linh của người Việt – thường những người chết oan, họ rất linh thiêng nên tiếng lành đồn xa, dân chúng ở khắp các nơi đã về với Tây Ninh để vừa vãn cảnh, vừa cúng bái, cầu tài lộc và bày tỏ lòng tôn kính với vị thánh bà này.

Xem thêm: Wellness Travel: 16+ Địa Điểm Du Lịch Chăm Sóc Sức Khỏe Bậc Nhất Thế Giới

Núi Bà Đen ở đâu?

Núi Bà Đen nằm ở phía Đông Bắc thành phố Tây Ninh, thuộc địa phận xã Thạnh Tân, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh cách trung tâm thành phố 11km. Đây là ngọn núi cao nhất Nam Bộ (986m), nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh và du lịch núi Bà Đen đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu du lịch quốc gia.

Lễ hội Núi Bà Đen

Hội Xuân núi Bà

Hội Xuân bắt đầu từ ngày mùng 4 tháng giêng và kéo dài trong suốt tháng giêng với các sự kiện, lễ hội truyền thống cách mạng, cùng với các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo.

núi bà đen tây ninh

Hội Vía Bà

Hội Vía Bà được tổ chức trong ba ngày 4, 5, 6 tháng năm âm lịch đây được xem là lễ hội quan trọng nhất ở núi Bà.

Mọi việc chuẩn bị cho lễ Vía Bà được tổ chức từ nhiều ngày trước đó để kịp đến khuya mùng 3 rạng mùng 4/5 âm lịch sẽ làm lễ tắm Bà và thay áo cho Bà. Vào lúc này cửa điện được đóng kín, đèn nến tắt gần hết chỉ còn lại 6 phụ nữ trung niên trong đó có 3 ni cô của nhà chùa bắt tay vào nghi thức tắm tượng Bà, mọi người đến trước tượng Bà làm lễ thắp nhang, xin phép được tắm và thay áo cho Bà.

Giữa tuần hương, dưới sự điều hành của một phụ nữ lớn tuổi trong nhóm, mọi người cùng bắt tay và cởi áo khoác trên tượng bà trong suốt năm qua, rồi chuyền tay nhau những gáo nước nấu bằng lá thơm trong rừng (về sau có pha thêm nước hoa) dội lên tượng Bà kỳ cọ sạch sẽ. Sau khi dội nước xong lần cuối, mọi người dùng những chiếc khăn khô và sạch lau khô tượng Bà và thay cho tượng một bộ áo mới.

Tắm và thay áo cho Bà xong, những người phụ nữ thắp một lần hương nửa, và thắp đèn nến trở lại cho sáng sủa rồi mở rộng các cửa điện để đón các thiện nam, tín nữ vào thắp hương cầu khấn Bà.

Suốt ngày mùng 4/5 tại điện Bà diễn ra các nghi thức lễ hội dân gian gồm: Hát bóng rối chầu mời, hát chặp bóng tuồng hài “Địa Nàng”, múa dâng bông, dâng mâm ngũ sắc, múa đồ chơi (Múa lu, múa lục bình, múa bông huệ…).

Ngày mùng 5/5 là ngày lễ Vía chính thức của Bà và cũng là ngày lễ hội Núi Bà đông vui nhất. Những nghi lễ trong ngày mùng 5 quan trọng nhất là lễ “Trình thập cúng”. Trong lễ này người ta dâng lên Bà 10 món bao gồm: Hương, đèn, hoa quả, trà bánh, rượu… Trong suốt ngày này, các vị sư thay nhau tụng kinh liên tục trước bàn thờ Bà.

Ngày mùng 6/5 dành cho việc cúng các cô hồn, uổng tử và chẩn tế cho bá tánh. Ngày cúng này có sự tham dự của các sư sải, để đọc kinh sám hối siêu độ cho các oan hồn. Những khách về tham dự, vào điện Bà tiếp tục cầu khấn, dâng hương. Buổi chiều sau lễ cúng ngọ, là lễ thí thực cô muối. Ban đêm các nhà sư tiếp tục các chầu kinh siêu độ cho bá tánh… Những ngày sau đó du khách vẫn tiếp tục hành hương về thăm Núi Bà và hành lễ ở Điện Bà.

Kinh nghiệm du lịch Núi Bà Đen

Thời điểm thích hợp để đi du lịch Núi Bà Đen Tây Ninh

Các khu du lịch, các điểm vui chơi, tham quan ở núi Bà Đen đa phần đều nằm ngoài trời nên thời gian lý tưởng để đến đây là khoảng từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau. Khoảng thời gian này là mùa khô ở Tây Ninh, thời tiết nắng nhẹ rất thích hợp cho việc tham quan và khám phá.

Cách di chuyển đến Núi Bà Đen

Để đi săn mây Núi Bà Đen từ Tp.HCM bạn có thể lựa chọn các phương tiện như xe máy, xe buýt và xe khách. Tùy vào túi tiền và nhu cầu cá nhân mà bạn lựa chọn các hình thức di chuyển phù hợp.

  • Xe buýt: Nếu lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi từ Sài Gòn để đi săn mây Tây Ninh, bạn sẽ cần chuyển 2 tuyến xe khác nhau là Bến Thành (TP. Hồ Chí Minh) đến Gò Dầu (Tây Ninh), tiếp đến là tuyến từ Gò Dầu tới Long Hoa.
  • Xe máy: Từ quốc lộ 22A đi đến ngã ba Trảng Bàng, sau đó rẽ phải vào tỉnh lộ 782. Tiếp tục đi khoảng 62km là đến núi Bà Đen. Với cung đường này, bạn sẽ di chuyển trong khoảng 3 tiếng đồng hồ. Trên đường đi sẽ có những quán nước dừng chân.
  • Xe khách: Hiện tại có rất nhiều nhà xe khai thác tuyến đường từ Sài Gòn đến Tây Ninh hay Núi Bà Đen. Do đó bạn có thể tự do lựa chọn các giờ khởi hành thuận tiện nhất và “vi vu” Tây Ninh với mức giá chỉ 70.000 đồng/ chiều.

Cách di chuyển lên đỉnh Núi Bà Đen

Dẫn lên chùa Bà Đen Tây Ninh là con đường 1.500 bậc, đi vòng quanh những tảng đá, cây rừng um tùm hai bên. Từ chân núi mất hơn một giờ để lên đến chùa nằm ở độ cao hơn 200m.

Dùng cáp treo lên núi

Núi Bà Đen đã có hệ thống cáp treo lên đỉnh giúp du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên từ trên cao. Đi cáp treo thuận tiện, tiết kiệm thời gian và công sức.

núi bà đen tây ninh

Vé cáp treo lên chùa Bà Giá vé Giá vé VIP
Người lớn Khứ hồi 250.000 đồng 400.000 đồng
1 lượt 140.000 đồng Không áp dụng
Trẻ em (1 – 1,4m) Khứ hồi 150.000 đồng 250.000 đồng
1 lượt 80.000 đồng Không áp dụng
Vé cáp treo lên đỉnh núi Giá vé Giá vé VIP
Người lớn Khứ hồi 250.000 đồng 400.000 đồng
Trẻ em (1 – 1,4m) Khứ hồi 150.000 đồng 250.000 đồng

Lưu ý:

  • Trẻ em dưới 1m được miễn phí vé cáp treo.
  • Khách mua vé VIP được đi lối đi ưu tiên.
  • Cáp treo hoạt động liên tục từ 5h30 – 21h30. Ban quản lý sẽ ngừng bán vé lúc 20h30. Do đó, du khách cần chủ động về thời gian trong hành trình di chuyển của mình.
  • Giá vé cáp treo trên được áp dụng từ 1/1/2021 và sẽ có sự điều chỉnh tùy từng thời điểm. Du khách nên tham khảo trước để nắm được mức giá cụ thể.

Trekking đi bộ lên núi Bà Đen

núi bà đen tây ninh

Ít người biết rằng có đến tận 7 cung đường trekking, leo núi Bà Đen, bao gồm đường chùa, đường cột điện, đường ống nước, đường Ma Thiên Lãnh, đường núi Phụng, đường đá trắng và đường HCM. Tuy nhiên được nhiều lựa chọn nhất thì chỉ có 5 cung đường chính để dễ dàng đến đỉnh núi bao gồm:

  • Đường chùa: đây được xem là một cung đường ngắn nhất và đơn giản => Mức độ Dễ khoảng 3 tiếng. Từ phía cổng khu du lịch núi Bà Đen, bạn di chuyển lên trên phía chùa Bà Đen, sau đó đi ra phía sau có con đường mòn rồi bắt đầu hành trình trekking chinh phục đỉnh núi.

núi bà đen tây ninh

  • Đường cột điện: cung đường này khá đơn giản bởi bạn sẽ quan sát theo đường dây điện để đi. Hầu như những ai lần đầu leo núi Bà Đen sẽ lựa chọn cung đường này => Mức độ: Dễ khoảng 3-4 tiếng. Vì cung đường đa phần là đường mòn nên sau khi trải qua khoảng 100 cột điện là bạn sẽ đến đỉnh núi.

núi bà đen tây ninh

  • Đường ống nước: đoạn đường này cũng được xuất phát từ phía chùa Bà. Tuy nhiên, so với đường chùa thì cung đường này dốc và khó đi hơn rất nhiều => Mức độ: Khó khoảng 4 tiếng. Từ phía chùa Bà bạn sẽ thấy có một ngã rẽ ở bên tay trái. Bạn chỉ cần hỏi người dân địa phương đường đi ống nước là họ sẽ chỉ cho bạn. Vì có một vài đoạn bạn phải trèo qua ống nước nên đừng quên trang bị một đôi giày leo núi có độ bám tốt nhé!

núi bà đen tây ninh

  • Đường Ma Thiên Lãnh: đường đi khá ngoằn ngoèo và có nhiều dốc đá. Đoạn đường đi cũng sẽ xa hơn nên bạn sẽ cần nhiều thời gian => Mức độ: Khó khoảng 8-12 tiếng. Ngay từ những con dốc đầu tiên khi leo núi bạn sẽ thấy rất khó khăn. Nếu như bạn cảm thấy mệt oải thì mình khuyên bạn nên “quay đầu là bờ” bởi đoạn đường tiếp theo còn khó khăn gấp bội phần. Theo kinh nghiệm đi phượt núi Bà Đen Tây Ninh theo đường Ma Thiên Lãnh, bạn nên bắt đầu hành trình từ lúc trời sáng. Bởi đường đi có rất nhiều vách đá cao và có những đoạn bạn sẽ phải leo lên trên hố sâu.

núi bà đen tây ninh

  • Đường núi Phụng: đây được xem là đường leo núi Bà Đen khó nhất so với các đường khác. Khi leo đường này bạn sẽ phải đi qua núi Phụng sau đó mới đến được núi Bà Đen. Thời gian leo núi cũng kéo dài từ 2-3 ngày. Hơn nữa, khi đi bạn sẽ cần phải có người chỉ đường. Mức độ: Rất khó. Để leo lên đỉnh núi Phụng bạn sẽ mất khoảng chừng 3-4 giờ đồng hồ sau đó nghỉ ngơi qua đêm sau đó tiếp tục hành trình leo núi Bà Đen. Vì quãng đường rất xa nên bạn nên đi theo nhóm đông (khoảng 10 thành viên) và chuẩn bị đầy đủ những vật dụng và nguồn nước, thức ăn đủ cho suốt hành trình.

núi bà đen tây ninh

Mỗi đường sẽ có độ khó khác nhau, thời gian khác nhau, do đó nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, thì nên chọn đường Chùa hoặc Cột Điện: 2 con đường phổ biến nhất.

Xem thêm: Kinh Nghiệm Đi Bà Nà Hill Chỉ 1 Triệu Đồng

Combo, Giá vé lên khu du lịch núi Bà Đen Tây Ninh

Cập nhật thông tin từ trang website chuyên về cáp treo núi Bà Đen cho hay, hiện nay giá vé cáp treo tại đây áp dụng với từng tuyến, sau đây sẽ là phần mô tả chi tiết từng hàng mục vé cho bạn tham khảo:

  1. Tuyến cáp treo lên chùa Hang với người lớn (cao trên 1,4m): Vé khứ hồi: 245.000đ/khách; Vé 1 chiều: 140.000đ/khách; Vé Vip khứ hồi: 390.000đ/khách.
  2. Tuyến cáp treo lên chùa Hang với Trẻ em (1m đến 1,4m): Vé khứ hồi: 150.000đ/bé; Vé 1 chiều: 80.000đ/bé; Vé Vip khứ hồi: 245.000đ/khách; trẻ em dưới 1m: miễn phí.
  3. Tuyến lên đỉnh núi Bà Đen với người lớn (cao trên 1,4m):  vé khứ hồi: 245.000đ/khách; Vé 1 chiều: 140.000đ/khách; Vé Vip khứ hồi: 390.000đ/khách.
  4. Tuyến lên đỉnh núi Bà Đen với Trẻ em (1m đến 1,4m): Vé khứ hồi: 150.000đ/bé; Vé 1 chiều: 80.000đ/bé; Vé Vip khứ hồi: 245.000đ/khách: trẻ em dưới 1m: miễn phí.
  5. Combo vé cáp treo núi Bà Đên gồm lên đỉnh núi + Buffet: người lớn 400.000đ/khách; Combo vé cáp treo lên đỉnh núi + Buffet trẻ em cao từ 1m – 1,4m: 250.000đ/khách; trẻ em dưới 1m: miễn phí.

Những vật dụng cần thiết khi du lịch núi Bà Đen

Khi du lịch ở núi Bà Đen bạn nên chuẩn bị những đôi giày thoải mái để dễ dàng di chuyển, đem theo những chiếc áo ấm để giữ ấm cho cơ thể vì nhiệt độ trên núi có thể xuống dưới 15 độ vào ban đêm.

Bên cạnh đó, bạn nên mang theo những vật dụng như thuốc chống côn trùng, các dụng cụ băng bó vết thương, các loại thuốc cảm cúm, đau bụng…

Và một thứ không thể thiếu đó chính là thức ăn nhẹ. Du khách nên mang theo các loại thực phẩm để có thể dễ dàng bổ sung năng lượng cho cơ thể.

Khách sạn gần núi bà đen

Một số khách sạn gần núi Bà Đen Tây Ninh bạn có thể tham khảo:

  • Khách sạn Nhất Quý: 353 Đại lộ 30/4, KP 1, Phường 1, TP. Tây Ninh
  • Vinpearl Tây Ninh: 90 Le Duẩn, Phường 3, Thành phố Tây Ninh, Tỉnh Tây Ninh
  • Khách sạn Sunrise: 81 Hoàng lê Kha, phường 3, thành phố Tây Ninh, Tây Ninh
  • Khách sạn Victory Tây Ninh: Số 255 30/4, TP Tây Ninh, Tây Ninh
  • Khách sạn Blue Star: 88, đường 22/ 12, Lộc Du, Trảng Bàng, Tây Ninh

Ăn Buffet tại núi bà đen

Buffet Bà Đen – Buffet Vân Sơn là một điểm nhấn trong chuyến du lịch – hành hương đến đỉnh núi Bà Đen. Nơi đây bao gồm đặc sản và những món ăn ngon mang nét riêng của người Tây Ninh.

Với vị trí tọa lạc ngay trên đỉnh núi, nhà hàng như nằm trong không gian giữa núi và mây trời bồng bềnh. Nhà hàng buffet Vân Sơn với sức chứa lên đến 650 người, phục vụ hơn 80 món ăn từ những món đặc sản Tây Ninh, những món ngon truyền thống Việt Nam cho đến những món ăn hiện đại Á – Âu.

núi bà đen tây ninh

Các món ăn đặc sản tây Ninh, ẩm thực truyền thống Việt Nam hay ẩm thực Nhật bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,… đều được chia thành những quầy món ăn riêng biệt để thực khách có thể dễ dàng chọn lựa.

  • Giá vé ăn buffet tại núi bà đen: 250,000 VNĐ/ người lớn và 150,000 VNĐ/ trẻ em.
  • Giờ mở cửa: từ 10h30 – 15h và 16h30-  20h mỗi ngày

Giờ mở cửa núi Bà Đen Tây Ninh

  • Từ Thứ 2 – Thứ 7: buổi sáng từ 7:00 – 11:30, buổi chiều từ 12:30 – 17:15
  • Chủ Nhật: Cáp vận hành liên tục từ 6:00 – 13:00
  • Từ 14:00, cáp hoạt động theo khung giờ ngày thường.

Xem thêm: TOP 13+ Món Ăn Đường Phố “Siêu Kinh Điển” Ngon Nhất Thế Giới

Đến Chùa Bà Tây Ninh cầu gì? lễ cần chuẩn bị gì?

Đến chùa Bà Tây Ninh cầu gì?

Tới chùa Bà Đen Tây Ninh, bạn có thể cầu may mắn, sức khỏe, công danh, tài lộc…

Lễ vật cúng núi Bà Đen là gì?

Viếng chùa Bà Đen Tây Ninh, bạn có thể sắm lễ vật như hoa quả, bánh kẹo, nhang… Nếu không có thời gian chuẩn bị trước thì bạn có thể yên tâm vì ngày dưới chân núi có bày bán rất nhiều lễ vật được sắp sẵn rất đầy đủ và đẹp mắt. Lưu ý khi đến chùa, đồ cúng, nén nhang, tiền công đức, tiền ủng hộ dầu đèn… đều nên là số lẻ bạn nhé.

Du Lịch Núi Bà Đen có gì chơi?

Viếng chùa núi Bà Đen

Ngôi chùa này được hình thành năm 1745 và xây dựng năm 1763, trải qua nhiều lần trùng tu, lần mới đây nhất là khánh thành vào năm 1997. Đây là ngôi chùa cổ xưa nhất tại Tây Ninh và có kiến trúc hài hòa mang nhiều nét đẹp đặc trưng của kiến trúc đền chùa Việt Nam.

núi bà đen tây ninh

Chùa Bà Tây Ninh còn lưu giữ hai cột đá xanh được tạc từ đầu thế kỷ XX ở tiền đường. Mỗi cột cao 4,5m, đường kính 0,45m, chạm hình rồng uốn lượn độc đáo. Chánh điện rộng hơn 200m2 với nhiều cột kèo, gian thờ sơn son thếp vàng.

Tượng Phật Thích Ca cao 2,5m, hai bên là các tượng Bồ Tát, Thập Bát La Hán uy nghiêm. Nơi thờ tự chính của chùa là hang đá nhỏ có bức tượng Ngọc Linh Sơn Thánh Mẫu nặng 240kg được điêu khắc tinh xảo.

Chiêm ngưỡng tượng Phật Bà Tây Bồ Đà Sơn cao nhất Châu Á

Bức tượng Phật núi Bà Đen ở đâu? Bức tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn nằm trên độ cao 986m ở đỉnh núi Bà Đen Tây Ninh.

núi bà đen tây ninh

Với tổng chiều cao 72m, được đúc bởi hơn 170 tấn đồng đỏ theo kỹ thuật công nghệ gia công cơ khí áp lực cao của Châu Âu, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn tại Tây Ninh đã xác lập kỷ lục “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Châu Á tọa lạc trên đỉnh núi” và “Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam tọa lạc trên đỉnh núi”.

Check in nóc nhà Đông Nam Bộ, chóp tháp 986m

Nếu đã đến nhà ga Vân Sơn, chóp tháp 986m là nơi bạn phải có 1 kiểu ảnh nho nhỏ để chứng minh mình đã chinh phục “Nóc nhà Nam Bộ”, là nơi cao nhất của khu vực này. Quanh chóp tháp có khu vực ban công để đứng ngắm cảnh và săn mây cũng vô cùng đỉnh.

núi bà đen tây ninh

Ghé thăm quần thể hang động độc đáo

Có thể nói mẹ thiên nhiên hết sức ưu ái khi ban tặng cho nơi đây nhiều cảnh đẹp. Ngoài vẻ thơ mộng, hùng vĩ, núi Bà Đen còn có rất nhiều hang động độc đáo thu hút. Những hang núi rộng rãi, mát mẻ cũng là điểm nghỉ chân lý chân cho du khách. Trên quãng đường chinh phục đỉnh núi, du khách chắc chắn không thể bỏ qua:

  • Động Thanh Long
  • Động Ba Cô
  • Động Ông Hổ

Leo núi săn mây trên đỉnh núi Bà Đen

Trong những năm trở lại đây, núi Bà Đen trở thành địa điểm săn mây lý tưởng. Lựa chọn thời điểm lý tưởng để săn mây trên núi Bà Đen thì chắc chắn là tránh mùa mưa. Thời gian còn lại cũng khá “hên xui” bởi phụ thuộc vào khí hậu thời tiết trong ngày. Bật mí cho bạn thời điểm săn mây lý tưởng nhất là vào lúc bình minh. Bạn có thể săn mây vào rạng sáng hôm sau chuyến leo núi.

núi bà đen tây ninh

Cáp treo Núi Bà Đen

Nhà ga Bà Đen có 2 tuyến cáp chính, một tuyến cáp đi lên Nhà ga Chùa Hang là nơi có Chùa Bà chỉ tốn 5 phút, còn tuyến còn lại đi đến Nhà ga Vân Sơn để khám phá khu vực đỉnh núi Bà Đen hùng vỹ chỉ tốn 8 phút. Một lưu ý nhỏ là 2 tuyến cáp vận hành độc lập với nhau, nên sau khi khám phá 1 địa điểm xong, bạn cần quay ngược về nhà ga Bà Đen để đi tuyến cáp khác đến điểm còn lại nhé!

núi bà đen tây ninh

Tuyến cáp treo lên Chùa Hang có các cabin màu vàng, còn tuyến cáp treo lên Vân Sơn có cabin màu đỏ. Đây cũng là một điểm để bạn có thể chụp ảnh cực kỳ đẹp, bên cạnh cabin ở nhà ga hoặc bên trong cabin giữa lưng chừng núi cũng đều rất đẹp. Cơ đã có rất nhiều hình ảnh ưng ý ở đây.

Máng trượt Núi Bà Đen

Để lên núi và thăm Điện Bà (huyện Hòa Thành, Tây Ninh), khách có thể đi bộ, dùng cáp treo hoặc hệ thống máng trượt độc đáo. Khu du lịch núi Bà Đen là nơi đầu tiên ở Việt Nam vận hành loại hình này. Du khách sẽ trượt từ nhà ga ở độ cao 215 m, xuyên qua những tán cây để xuống nhà ga dưới và ngược lại.

núi bà đen tây ninh

Máng trượt ở núi Bà Đen là một hệ thống khép kín, gồm tuyến lên 1.190 m và tuyến xuống 1.700 m, được đặt trên 482 trụ móng. Hai bên đều có hành lang bảo vệ và lưới an toàn. Đường trượt được thiết kế với hệ thống chống trôi giúp du khách dễ điều khiển xe và thoải mái ngắm cảnh núi rừng hai bên.

Có hơn 100 xe trượt liên tục lên xuống nhà ga. Vào dịp lễ Tết, rất đông khách thập phương viếng chùa và xếp hàng chờ lên xuống núi bằng máng trượt. Giá vé cho một người là 85.000 đồng.

Check in nhà ga Vân Sơn

Đi 8 phút để lên đây, nhà ga Vân Sơn làm Cơ ấn tượng nhất về kiến trúc nơi này được lấy cảm hứng của Châu Âu, với trần nhà, tường được phủ những lớp điêu khắc hình mosaic màu sắc rực rỡ theo phong cách của Gaudi. Cơ đã từng đến Barcelona, nơi có kiến trúc Gaudi khắp mọi nơi nên nhận ra nguồn cảm hứng tạo nên nhà ga Vân Sơn.

núi bà đen tây ninh

Các trụ đá sa thạch, cùng nhiều cửa sổ tạo cho nhà ga có nguồn sáng tự nhiên. Chỉ cần bước ra khỏi ga Vân Sơn, bạn sẽ thấy khu vực ban công nhìn ra mây trời và có thể thấy cả hồ Dầu Tiếng mênh mông từ xa.

Nhà ga Bà Đen

Nhà ga cáp treo Bà Đen, thuộc Sun World BaDen Mountain, với tổng diện tích 10.959m2, được kỷ lục Guinness công nhận là “Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới”. Nhưng điều ấn tượng nhất về nhà ga Bà Đen không nằm ở diện tích, mà chính ở thiết kế hiện đại đến ngỡ ngàng của nơi này. Có cảm tưởng như mình đang lạc vào một nhà ga hiện đại của nước ngoài, có thể nói là đạt tầm vóc quốc tế không ngờ là nơi này lại ở… Tây Ninh.

núi bà đen tây ninh

Nhà ga Chùa Hang

Nhà ga Chùa Hang là ga đến của tuyến cáp treo Chùa Hang dẫn lên quần thể chùa Bà. Thiết kế của nhà ga mang dáng dấp của một ngôi chùa, được lấy cảm hứng từ kiến trúc của chùa Bà Đen và chùa Hang với mái đao gắn hình rồng vô cùng đặc sắc.

núi bà đen tây ninh

Những lưu ý cần biết khi đi du lịch Núi Bà Đen Tây Ninh

  • Bảo quản đồ đạc các nhân cẩn thận khi đến chùa vào những dịp đông đúc như lễ hội… để tránh xảy ra tình trạng mất cắp.
  • Lựa chọn trang phục kín đáo, phù hợp khi đến chùa.
  • Nên mang giày thể thao hay giày bệt để leo núi thuận tiện khi tham quan chùa Bà và Khu du lịch núi Bà Đen.
  • Mang theo đầy đủ áo khoác, mũ, kem chống nắng, kem chống muỗi, thuốc trị côn trùng, thuốc đau bụng…
  • Đặc biệt là thực hiện nghiêm túc theo chỉ dẫn của ban quản lý khu du lịch nha mọi người.
  • Nên xin phép trước với ban quản lý nhà chùa để được sự đồng ý nếu muốn quay phim, chụp hình